Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Tùy bút: Thiêng liêng lá cờ đỏ sao vàng











THIÊNG LIÊNG LÁ CỜ ĐỎ SAO VÀNG
QUỐC KỲ NƯỚC CHXH VIỆT NAM
------------------------------

          Trên bản đồ thế giới, Nước Việt Nam chúng ta là hình chữ S nhỏ bé. Nhưng Lá quốc kỳ “ Cờ đỏ sao vàng năm cánh” của chúng ta lại trở nên nổi bật đến lạ kỳ khi tung bay cùng quốc kỳ của những quốc gia khác trên thế giới!
          Khi được xem các trận thi đấu của Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam thi đấu tại các giải đấu như: Seagame, Tiger cúp, Asian cúp… tôi luôn ấn tượng và hào hứng với màu đỏ rực cháy trên khắp các khán đài của cổ động viên Việt Nam. Có lẽ, sự khác biệt lớn nhất của các VĐV chúng ta với VĐV của nhiều quốc gia khác là hình ảnh “ Hạnh phúc lệ rơi” khi được hát quốc ca dưới cờ để nhận huy chương. Theo tôi nghĩ thì với lòng tự hào dân tộc, sự tôn trọng Tổ Quốc, tôn trọng thành quả lao động và sự kỳ vọng của đồng bào vốn đã là truyền thống quý báu của người dân Việt Nam đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ và hình ảnh ấn tượng đó. Ngược dòng lịch sử, chúng ta quay lại tìm hiểu về sự ra đời và xuất hiện lần đầu tiên của lá quốc kỳ “ Cờ đỏ sao vàng ” là khi nào?
          Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ( Đảng CSVN ) được Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 03/02/1930 tại Hội nghị thống nhất Đảng ( họp từ ngày 3/2/1930 đến 7/2/1930 tại: Hương Cảng, Cửu Long, Trung Quốc ) đã hợp nhất ba tổ chức Đảng đó là:
          ► Đông dương cộng sản Đảng: Thành lập ở Bắc Kỳ, ngày 17/6/1929.
          ► An Nam cộng sản Đảng: Thành lập ở Nam Kỳ, mùa thu năm 1929.
          ► Đông dương cộng sản Đảng liên đoàn: Thành lập ở Trung Kỳ, ngày 01/01/1930.
Từ đó Người đã không ngừng dìu dắt và rèn luyện Đảng ta, có thể nói tên tuổi của Người đã gắn liền với sự ra đời của Đảng CSVN!
          Qua 15 năm ( từ 1930 – 1945 ) lãnh đạo cách mạng qua các cuộc đấu tranh gian khổ và hy sinh, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng tám ( 19/8/1945) thành công. Từ đây nhân dân Việt Nam đã đập tan siềng xích nô lệ của chế độ thực dân và lật đổ chế độ phong kiến cùng bè lũ tay sai thối nát. “ Lá cờ đỏ sao vàng ” lần đầu tiên xuất hiện trong đoàn quân cách mạng hừng hực khí thế đấu tranh giành chính quyền. Và ngày 02/9/1945 tại quãng trường Ba Đình lịch sử, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước “ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ”. Cờ đỏ sao vàng và hoa ngập quãng trường, rợp các con đường tuyến phố của Hà Nội.
          Thực dân Pháp với dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai, chúng chọn Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm và cố thủ. Theo cách nói của chúng thì đấy là niềm kiêu hãnh của TD Pháp tại Đông Dương. Nhưng sau 55 ngày đêm “ Nằm gai nếm mật, máu trộn bùn đen…” bộ đội Cụ Hồ và nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng và hy sinh để rồi chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi. Ngày 7/5/1954 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nắp hầm tướng Đờ cát – Tơ ri đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân xâm lược tại Việt Nam.
          Ngày 30/ 4/1975 hình ảnh “ Lá cờ đỏ sao vàng ” lại một lần nữa được thế giới biết đến và ngưỡng mộ khi chiến dịch Hồ Chí Minh giành đại thắng. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một Đất Nước bé nhỏ đánh thắng một đế quốc hùng mạnh. Đất nước Việt Nam thống nhất, bắc nam một nhà!
          Sau ngày giải phóng thống nhất, Đất Nước ta bước vào một thời kỳ mới đó là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng CSVN giữ vai trò lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc XHCN. Từ năm 1975 đến nay đã giành được những thành tựu to lớn, cụ thể là:
           Đánh thắng giặc ngoại xâm trong chiến tranh biên giới ( 1978 – 1979 ).
           Bảo vệ thành công chủ quyền đất nước và chế độ XHCN.
           Bình ổn sản xuất và đời sống, khắc phục hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đất nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đến nay Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được cũng cố. Hình ảnh “ Lá cờ đỏ sao vàng” tung bay trên khắp các công trường, công trình từ nhỏ đến lớn, từ nông thôn thành thị đến vùng cao biên giới tạo động lực và khí thế thi đua sản xuất, đưa năng xuất lao động lên cao để công trình vượt – kịp tiến độ được giao… đã trở nên quen thuộc và xuất hiện thường xuyên trên ti vi, đài báo hàng ngày.
          Người Việt Nam yêu nước chúng ta luôn ý thức được rằng: Để có cuộc sống ấm no mà như Bác đã nói “ Không có gì quý hơn độc lập – tự do – hạnh phúc ” thì Đất Nước ta đã trải qua hơn 1000 năm kiên trì với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chống giặc ngoại xâm phong kiến, với CN thực dân, CN phát xít, CN đế quốc và các thế lực thù địch phản động chống phá cách mạng, chống phá Đảng và Nhà Nước. Không thể thống kê hết số lượng bao nhiêu chiến sỹ cách mạng, lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập. Sương máu của sự hy sinh cao cả ấy đã thấm đẫm, tô thắm lá cờ đỏ sao vàng và ngấm vào từng nắm đất của quê hương.
Vì vậy, mỗi chúng ta phải kiên định quyết tâm với sự nghiệp cách mạng mà cha anh đã dày công xây dựng và vun đắp. Chúng ta quyết tâm xây dựng thành công XHCN, chủ nghĩa cộng sản và bảo vệ nền độc lập dân chủ hiện có của Đất Nước. Khi Đất Nước có nguy biến và nếu có bóng dáng giặc ngoại xâm xâm hại chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta phải có trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Quê Hương, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc có như vậy chúng ta mới giữ cho màu của Lá cờ đỏ sao vàng” luôn được tươi thắm...

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Ký ức Xuân Mai



KÝ ỨC XUÂN MAI
-------------------
Tháng 12 năm 2012
Trần Tâm

Xuân Mai đông lại đến rồi
Vùng cao anh xuống bồi hồi ghé thăm
Mưa phùn, trời rét căm căm
Xuống xe anh bước xa xăm đường về


Xuân Mai anh nhớ tái tê
Hôm nay đổi mới càng mê lòng người
Nhà cao tầng mọc nơi nơi
Người xưa, tình cũ một trời yêu thương …


( Kỷ niệm, về thăm TT. Xuân Mai - Chương Mỹ - Hà Nội, tháng 12/2012 )














Tháng mười ở Chiêu Ly


THÁNG MƯỜI Ở CHIÊU LY
---------------------------------------
          Ngày 15.10.2012
          Chỉ nằm cách trung tâm huyện lỵ Mường Chà khoảng hơn 10 km, nhưng để vào bản Chiêu Ly – xã Sa Lông chúng tôi đi xe máy cũng phải mất gần một giờ đồng hồ…
          Tháng mười ở Chiêu Ly thật đẹp, bầu trời trong xanh như mắt mèo. Khi xe qua những khe núi, thung lũng bất chợt gặp những làn gió thu xe lạnh vụt qua cảm giác thật dễ chịu.
          Những nương lúa vàng rực nằm hai bên đường vào bản, xa xa trên lưng núi những cọt khói ngoằn nghèo vóng lên trời cao. Gần trưa rồi chắc bà con đang thổi cơm ăn trên nương còn kịp gặt đưa lúa về bản. Mùi cơm mới thơm nức một vùng đồi…
          Đường vào Chiêu Ly vốn nỗi tiếng là khó đi, anh em giáo viên trẻ mới lên nhận công tác trong bản vẫn đùa nhau là vào “ Chia li ” để nói lên cái khó khăn của đường xá. Đã vào là không muốn ra, mà đã ra rồi thì chẳng muốn vào…
          Nhưng nay thì khác rồi! Lâu lắm tôi lại có dịp vào đây công tác, cảm giác đầu tiên mới lạ đó là con đường từ trung tâm xã vào bản đang được Nhà Nước quan tâm đầu tư sửa sang, mở rộng. Đường rộng thênh thang, uốn lượn thật mềm mại quanh các lưng núi đá tai mèo hiểm trở. Những khối đất đỏ quoạch được máy súc cắt cua, san phảng nhìn các anh em công nhân làm việc trông thật khí thế. Mặc dù con đường vẫn chưa hoàn thiện nhưng cái màu đỏ mới của đất và cái hình dáng mềm mại của con đường làm tôi tràn trề những cảm xúc mới mẻ và chắc chắn đem về nhiều hy vọng về cuộc sống yên bình, tốt đẹp cho người dân bản Hmông ở Chiêu Ly.
          Hẹn gặp lại Chiêu Ly một ngày gần nhất!


HẸN NGÀY TRỞ LẠI
---------------------------------
Trương Hữu Thiêm
( Tặng Trần Tâm – Ban QL rừng phòng hộ Mường Chà )


Tháng mười, vào bản Chiêu Ly
Đường men vách núi khó đi vô cùng
Gió thu xe lạnh lòng thung
Mùi cơm nếp mới rưng rưng gọi mời
Chả xa mà cũng cách vời
Dễ chừng đã mấy năm trời qua đi
Chiêu Ly nào phải “ Chia li ”
Yêu nhau thì có quản gì núi sông?
Hẹn ngày trở lại Sa Lông
Nhấp chung rượu ngọt bềnh bồng Chiêu ly …

TP Điện Biên, 20.10.2012

VÀ NHỮNG LỜI ĐỘNG VIÊN CỦA BỐ…
          Nhớ ngày còn bé hồi học cấp một, mỗi lần được điểm 10 mình vui lắm sau tiếng trống tan trường là bước thật nhanh men theo bờ ruộng để về khoe với cả nhà. Những lần như thế ông nội, bố mẹ vui lắm … rồi mình lại được thưởng ngay bữa cơm chiều hôm đó hoặc là bữa sáng hôm sau. Trong xóm, nhà mình tuy không giàu nhưng cũng chẳng nghèo có điều là thấy mẹ cũng không sẵn tiền lắm vì thế ít khi mẹ đi chợ và cả nhà được ăn thịt. Mỗi lần được thưởng như vậy, bố thường ra lệnh cho mẹ “ Ra chợ mua thịt ” về cả nhà liên hoan. Mình tuổi lợn nhưng lại rất thích ăn “ thịt lợn ” dăm bữa nữa tháng mà không được miếng nào là thèm lắm … chính vì thế mà cố gắng kiếm thật nhiều điểm 10 hơn! Kết quả là thi tốt nghiệp cấp 1 mình đỗ bằng giỏi…
          Lên cấp hai, mình lớn hơn một chút đã biết làm một số việc giúp bố mẹ. Việc học cũng khó hơn chút nhưng mình vẫn cố gắng và có những điểm 10 và phần thưởng của mình cũng vẫn là những bữa cơm ấm cúng đó. Cái ngày mình có thêm em gái út thứ ba mình đã hiểu rằng bố mẹ sẽ vất vả hơn nhiều lần so với những vất vả mà mình đã thấy và phần thưởng của mình sẽ ít đi nhưng mình đã biết phần thưởng lớn nhất của mình là sự lao động cật lực từ sáng sớm đến tối mịt của bố mẹ. Mình nhớ có lần viết bài tập làm văn đề bài nói về công việc của bố mẹ, mình đã viết: “ Khi mẹ tôi đi làm là lúc sương đêm còn đẫm trên cỏ, lúc mẹ về cũng là lúc cỏ đẫm sương đêm …”. Tôi đã hiểu đấy là phần thưởng, là lời động viên ân cần và thường xuyên nhất đối với tôi và em gái. Chính vì vậy tôi đã say mê học tập và kết quả cuối cấp hai tôi tốt nghiệp loại giỏi, điểm thi cao thứ nhì trường được xét thẳng vào cấp 3. Bố mẹ vui lắm … Lên cấp 3, tôi học có phần xa sút và kết quả đã trượt đại học. Lúc ấy thất vọng lắm và tôi biết bố mẹ, các em mình cũng thế … có lẽ được kế thừa “ Chất lính” của bố mẹ tôi không hề nao núng và gục ngã mà quyết tâm khăn khói ra đi tìm lời giải hay cho những bài toán mà mình đang bế tắc, rèn luyện tâm lý thi đấu cho mùa thi tới. Sự quyết tâm ấy đã được đền đáp bằng kết quả đậu cả Đại học và cao đẳng. Phần thưởng của tôi còn nhiều hơn hồi bé ngoài những bữa cơm ngon, ấm cúng tôi còn được nhận những phần quà vật chất rất ý nghĩa như: Chiếc bút máy “ kim tinh” của ông ngoại, Đồng hồ đeo tay của Bố, những quyển sổ tay rất đẹp của các bác … và có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với tôi là những tháng ngày lao động vất vả của cả gia đình trong suốt thời gian sinh viên cho đến khi tôi tốt nghiệp và đi công tác…
          Sáng nay, khi lên cơ quan vẫn là thói quen đến sớm một chút để đọc báo trước khi làm việc. Cầm tờ Báo Điện Biên Phủ số 169 ra ngày 30/10/2012, mình giật mình khi thấy hai bài thơ đăng tại trang 5/ mục VH – NT, một bài là sáng tác của mình “ Đêm Mường Tùng”, còn một bài được Nhà thơ Trương Hữu Thiêm đề tặng “ Hẹn ngày trở lại ”. Mình vui lắm và còn được anh em đồng nghiệp chia sẽ nữa …Và mình hiểu tất cả những điều đó như lời động viên và phần thưởng của một người cha đối với những nỗ lực của con mình. Tuy chưa gặp Chú Thiêm, anh Lợi nhưng những gì chú và anh động viên khích lệ cháu cảm nhận được nó giống như “hơi ấm của gia đình mình”. Cháu chỉ biết đón nhận và cảm ơn những tình cảm tốt đẹp đó của chú và các anh chị trong Ban Biên Tập Báo đã cho Trần Tâm có cơ hội được thể hiện mình.
Tập làm nhà thơ, làm thi sĩ cháu như đứa trẻ lên ba đang học nói học đánh vần được Chú và các anh chị VNS động viến góp ý cháu rất cảm động và hứa với lòng mình sẽ cố gắng như ngày xưa đi học để được nhận những phần thưởng như khi được điểm 10 tròn trĩnh!

















Sá Tổng mùa thu



    SÁ TỔNG MÙA THU

   ------------------------------------------



Ngày 22.9.2012
Trần Tâm

      Không biết đã bao nhiêu lần đứng ở những vị trí này, độ cao tuyệt đối này tôi bấm máy chụp cảnh phố núi Mường Lay và phóng tầm mắt vượt lên những ngọn núi cao mịt mù mây mà hiếm khi có cơ hội nhìn thấy đỉnh…

Cuối tháng chín, tôi lại có dịp về thăm TX. Mường Lay – Sá Tổng và đi qua những vị trí, độ cao quen thuộc ấy. Đúng 8h tối, đang nhâm nhi cốc trà nóng thì điện thoại rung… rung… có tin nhắn: “ Mai anh đi Sá Tổng với bọn em nhé? ”  trong lòng tôi chợt nhen nhóm niềm vui và hào hứng vì lại có cơ hội tiếp tục khám phá Sá Tổng!

            Chúng tôi ba người xuất phát từ Mường Chà bằng hai chiến mã cũ kỹ… Chiến mã của mình thì mới thay nhông xích và dầu máy mà sao leo dốc đèo Ma Thì Hồ, đỉnh cổng trời cứ ì ạch, lì ra làm cho kỵ sĩ ngồi trên yên sốt ruột và còn hơi “ Mất điểm” với chiến hữu ngồi sau là một nữ nhà báo thân quen DangMinhGiang … và bị chiến mã của đồng chí quay phim Long bỏ xa hàng dặm nhưng cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau tại nga ba “ Mương lay – Sá Tổng – Lai châu” và tiếp tục hành trình.
           Chặng tiếp theo chúng tôi vượt khoảng 15 km đường QL6 là đến địa điểm nhưng mới nhìn thôi đã thấy “ ớn và ê ”. Chiến mã của tôi ko ngừng nhả khói đen và đầu lắc quầy quậy, kỵ sĩ thì tay mỏi nhừ, hai chân thì hoạt động “ Chống, rồi lại đẩy ” liên tục…kha…kha. 
           10h15 phút, cuối cùng cũng đến rừng thông mã vĩ Sá Tổng tại tiểu khu 431 các nhà báo tha hồ tác nghiệp nhé…
Đúng là mùa thu Tây Bắc không lẫn vào đâu được: Nắng vàng như mật ong rừng, gió nhẹ  và sắc vàng thì nhiều vô kể… lẫn vào những tán xanh của những cánh rừng là những thửa nương lúa vàng suộm, lác đác từ chân núi lên lưng núi rồi lên tận đỉnh vẫn vàng. Khâm phục bà con người Mông mình thế? Siêng năng, cần cù, chịu khó và khỏe nữa! Tôi vẫn nói vui với nhà báo như vậy nhưng các bạn cũng phải công nhận …
Cuộc hội ngộ “ Mùa thu Sá Tổng ”  với những người bạn thân thiết và mới quen thật thú vị! Sự kết hợp giữa công việc, sự đồng cảm chia sẽ trong cách nghĩ về những vấn đề chung đã giúp chúng tôi có một chuyến đi thực sự thú vị và đầy cảm xúc. Cảm ơn Sá Tổng, cảm ơn sự tuyệt vời của tạo hóa đã cho chúng tôi có cơ hội gặp nhau và giao thoa về cảm xúc về tự nhiên. Nếu cụ Nguyễn Khuyến có hiển linh  sống lại và đi cùng chúng tôi thì có lẽ trong “ Thu điếu ” không chỉ có cảnh “ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…” mà sẽ có thêm Sông Đà, Suối Nậm lay,… nước trong veo nhưng không hề lạnh lẽo! 
                Tạm biệt các bạn và tạm biệt Sá Tổng…



CHIỀU BIÊN GIỚI
--------------------------------
Nguyễn Đức Lợi 
(Cảm xúc sáng tác qua ảnh Trần Tâm )


Thị trấn nhỏ néo chặt vào biên giới
Như thể con tim néo giữ những dập dồn
Chiều lồng lộng, cánh chim trời chới với
Vỗ cánh dạt dào trên ngàn dặm ải môn.


Em có gửi gì chiều biên giới không
Mà anh đợi nóng lòng đến thế
Cả một miền, sao lại cứ mênh mông
Khiến thổ cẩm phải thẹn thùng như thể…
Mình sẽ hẹn gặp nhau trên Sá Tổng
Để được cao hơn chiều biên giới hôm nay
Sống cuộc sống cùng núi dài, trời rộng
Ngắm nhau bằng tâm trạng của người say.


Chiều biên giới thì bao giờ cũng vậy
Đẹp như là sơn nữ tuổi hoa
Lúa mọc trên trời, suối chảy trong mây
Chim hót mãi vào bức chì ký họa.


Lên biên giới, hít chiều căng đầy phổi
Để cháy mình như ngọn đuốc đam mê
Bắt đầu tình yêu từ ngọn nguồn cây cối
Dù đi đâu, chiều cũng tím lối về.


Lên biên giới, cho lòng luôn mở cửa
Đón nhận nhân gian như đón chính tâm hồn
Những vết cắt làm tim gan máu ứa
Sẽ tan vào biên giới hoàng hôn...

Sá Tổng, tháng giêng 2001 - Sơn Viên, 21.10.2012