NỖI NIỀM CÁNH KIẾN ĐỎ
--------------------------------
Ngày 17.11.2011
Khi thực
hiện bài viết này tôi đã có nhiều ngày đêm trải nghiệm tại Huổi Lèng và Mường
Tùng. Cái cảnh từng tốp người đi xe máy phía sau trở những bó củi lớn bé, rồng rắn
nhau đi về phía TX. Mường Lay đã trở nên quá đỗi quen thuộc.
Chất đốt là
một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống, đối với đồng bào dân tộc Tây Bắc thì hoạt
động “ Lấy củi” gần như là một bản năng sống. Ngay thời còn thơ bé, các cô cậu
bé vùng cao khi mới cất tiếng khóc trào đời đã được chính cái hơi ấm từ củi
sưởi ấm trong những đêm đông giá rét. Khi lớn hơn một chút biết cắp sách tới
trường thì ngoài việc đi học cái chữ thì công việc đầu tiên bố mẹ giao cho có
lẽ là lên rừng lấy củi. Như vậy hoạt động “ Lấy củi” đã trở nên rất thân quen
và gần gủi đối với người dân tộc vùng cao, chỉ khi họ về với đất thì công việc
này có lẽ mới chấm dứt…
“ Lấy củi”
là một việc làm không hề xấu xa mà ngược lại nó còn thể hiện cái bản chất cần
cù, chịu khó của người vùng cao tuy nhiên chỉ khi làm công việc này đúng với
cái nghĩa của nó. Tức là chỉ được phép vào rừng lấy những cành khô lá rụng, cây
chết tự nhiên mà không làm ảnh hưởng đến rừng thì đấy được coi là lấy củi.
Những hoạt động khác như tự ý vào rừng hạ cây để chết khô mục hoặc chặt hạ rồi
cắt khúc những cây đang sống biến nó thành củi thì đấy là hành vi vi phạm lâm
luật. Tôi quan sát thấy những tốp người này có lẽ hầu hết đều là những người
lách luật hay cố tình vi phạm lâm luật vì họ đã lợi dụng hoạt động lấy củi
thông thường để che dấu hành vi chiệt hạ rừng của mình. Những khu rừng sẽ chết
dần chết mòn vì họ…
Đau lòng hơn là họ đang giết hại những loài cây đặc sản đã và đang nuôi sống
chính họ, con cháu họ bao đời nay như cây Cọ Khiết ( hay còn gọi là
cây cánh kiến đỏ ). Đây là loài cây thuộc họ đậu ( FabaceaeLindl )
có tên khoa học là Dalbergia hupeana Varlacifera là cây chủ để
thả cánh kiến đỏ phân bố chủ yếu ở các xã Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa
Ngài, Ma Thì Hồ và Mường Tùng. Chính vì vậy, cọ khiết được xem là loài cây bản
địa của huyện Mường Chà. Là người làm công tác lâm nghiệp đã nhiều năm nay tôi
rất quan tâm đến sự phát triển của loài này và thị trường cánh kiến đỏ chính vì
vậy tôi khá hiểu giá thu mua cánh kiến của thương lái tại địa phương, đang có
xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể là qua phỏng vấn trực tiếp
nhiều hộ gia đình sản xuất cánh kiến đỏ tại địa phương thì giá biến động như
sau:
- Năm 2009 giá bán từ: 18.000 –
20.000 đồng/kg.
- Năm 2010 giá bán từ: 60.000 –
63.000 đồng/kg.
- Năm 2011 giá bán từ: 230.000 –
280.000 đồng/kg.
Như vậy, năm 2011 giá cánh kiến đỏ tăng đột biến. Đây là tín hiệu
vui hay buồn? Tôi nghĩ là buồn thì nhiều hơn vì nó nói lên một thực tế đó là
sản lượng cánh kiến đang có chiều hướng giảm sút nhanh. Vậy thì nguyên nhân là
do đâu? Câu trả lời là do chính cái hoạt động “ lấy củi” đã nói ở trên.
Đáng buồn hơn khi giá cánh kiến đỏ tăng đột biến trong năm nay thì lại xuất
hiện những tốp người lũ lượt đổ về Huổi Lèng, Sa Lông để “ cướp” cánh kiến đỏ
của những hộ gia đình đã bỏ nhiều mồ hôi nước mắt từ lúc ươm cây giống, đem
trồng, bảo vệ rừng và đem thả kiến, rồi mất ăn mất ngủ để đợi ngày “ Kiến nở
đỏ” trên cây thì đột nhiên bị cướp trắng. Một cái “ Vòng luẩn quẩn” bỗng nhiên
xuất hiện đó là khi cánh kiến đỏ bị cạo trắng đem bán thì nhiều hộ sẽ lâm vào
tình trạng mất giống thả vào mùa vụ năm sau, dẫn đến giá lại tăng cao đến lúc
đó có khi chính những kẻ chủ mưu vì hám cái lợi nhuận trước mắt lại bắt tay vào
việc trồng lại những rừng cọ khiết… Nếu điều đó xảy ra thì xem như họ biết hoàn
lương chỉ sợ một điều có khi họ lại trở thành những tên cướp chuyên nghiệp!
Những năm qua với sự nỗ lực của tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp & PTNT trong
việc thúc đẩy việc trồng mới để mở rộng diện tích rừng cánh kiến tại huyện
Mường Chà bằng việc nâng cao các chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia trồng
rừng cụ thể như:
Ban hành định mức suất đầu tư hỗ trợ phát triển và bảo vệ rừng
giai đoạn 2011- 2015 theo Quyết định số 10/2011/QĐ – UBND, ngày 22/4/2011 của
UBND tỉnh Điện Biên đã nâng suất đầu tư hỗ trợ trồng rừng phòng hộ lên 15 triệu
đồng/ha. Bảo vệ và KNTS rừng cũng được nâng lên từ 100.000 đ thành 200.000
đồng/ha
Tiếp nữa là, thực hiện chính sách trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc
thiểu số tham gia trồng rừng sản xuất và phòng hộ thay thế nương rẫy đã bạc
màu. Đến nay bước sang năm thứ 3 thực hiện đã thu được những tín hiệu vui,
thiết thực và đáng khích lệ. Đây chính là những biện pháp chỉ đạo kịp thời của
Lãnh đạo các cấp nhằm thực hiện chương trình kế hoạch trồng mới 5 triệu ha
rừng, thúc đẩy sự phát triển ngành Lâm nghiệp nói chung và phát triển – bảo tồn
nghề nuôi thả cánh kiến đỏ tại địa phương nói riêng.
Ban quản lý RPH huyện Mường Chà nỗi lên như một nhân tố điển hình trong việc
thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng đã đem chính sách hỗ trợ phát
triển rừng đến các địa phương trong huyện. Từ năm 2009 đến nay đã thực hiện
nhiệm vụ “ Trồng rừng phòng hộ và sản xuất thay thế diện tích nương rẫy bạc
màu của đồng bào dân tộc thiểu số” và triển khai chính sách trợ cấp gạo
cho đồng bào dân tộc tham gia trồng rừng tại các xã Mường Mươn, Ma Thì Hồ, Sa
Lông và Huổi Lèng của huyện Mường Chà thu được những kết quả đáng mừng đó là:
Trong toàn huyện có 78 hộ với 462 nhân khẩu đã tham gia trồng 113,8 ha rừng
phòng hộ & sản xuất thay thế nương rẫy bạc màu, hàng năm cấp gần 59 tấn gạo
cho đồng bào cho đến khi rừng khép tán ( trong 7 năm ). Mới bước sang năm thứ 3
thực hiện nhưng đã xuất hiện những hộ có thu nhập đầu tiên từ việc thả cánh
kiến đỏ trên diện tích rừng trồng của mình.
Thiết nghĩ để phát triển Ngành Lâm nghiệp bền vững thì song song với việc mở
rộng diện tích rừng bằng cách trồng mới như mô hình của Ban QLRPH đã thực hiện
cần biểu dương và nhân rộng, ngoài ra cần bổ sung các chế tài xử phạt hợp lý để
siết chặt hơn các biện pháp quản lý bảo vệ rừng bắt những đối tượng xâm hại
rừng phải cúi đầu chịu tội trước pháp luật thì vốn rừng hiện có sẽ không bị xâm
hại thêm. Lúc ấy các hộ sẽ yên tâm sản xuất hơn còn những người tâm huyết với
nghề sẽ được động viên và không còn cảm thấy đơn độc. Khi đó màu xanh của rừng
và màu nâu đỏ của cánh kiến sẽ là hai màu chính trong “ Bức tranh no ấm ”
của người dân địa phương./.
( Bảo quản cánh kiến đỏ )
Cây cọ khiết
( Gieo ươm cây cọ khiết )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét