Tùy bút: Những cơn gió lào và ngọn lửa



 NHỮNG CƠN GIÓ LÀO VÀ NGỌN LỬA
-------------------------------
                                                                      Ngày 14.03.2012

Mùi khói hăng hắc xông thẳng vào hốc mũi thật khó thở, bầu trời xám xịt tàn tro bay theo gió khắp nơi… Từng đợt gió lào thổi ào ào vượt qua những đỉnh núi cao vút tràn xuống các bản làng nhỏ năm dọc ven các con suối, những bản làng người Mông nằm chênh vênh trên lưng chừng các ngọn núi thì ngâm ngập khói vì đốt nương. Cái không khí ngột ngạt, khó thở kết hợp với cái khô nóng của gió lào gây ra thật khó chịu…
Năm nay mưa về muộn hay do năm ngoái mưa sớm nhỉ? Mình còn nhớ như in thời gian này năm ngoái “ Mưa rầm, mưa rề..” mưa kéo dài đến não lòng, rồi gió mùa đông bắc tăng cường lại tràn xuống phía bắc đã ảnh hưởng lên tận Tây Bắc làm mình nằm bẹp trong nhà suốt mấy ngày nghỉ. Mà sao năm nay từ suốt đầu tháng hai đến giờ gần hết tháng ba rồi mà chưa thấy bóng dáng một cơn mưa nào? Thời tiết thật lạ không theo một quy luật nào, phải chăng đấy là dấu hiệu của “ Sự biến đổi khí hậu” mà Tivi, đài báo hay nói đến nhỉ?
         Nghe kinh nghiệm của các già làng, trưởng bản nói thì mưa trên Tây Bắc mà về sớm như năm ngoái thì sẽ mất mùa, còn mưa về muộn như năm nay thì có lẽ là được mùa. Cũng dễ hiểu thôi vì mưa về sớm bà con không kịp phát và đốt nương thì sẽ không kịp mở mang thêm diện tích đất canh tác tất yếu sẽ mất mua thôi. Còn nếu mưa về muộn hay nói đúng hơn là về đúng lúc thì bà con sẽ chuẩn bị tốt và đầy đủ đất, hạt giống phục vụ cho sản xuất chắc chắn sẽ đạt trữ lượng gieo trồng cao và được mùa… Vẫn biết nghề nông dù có áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đến mấy thì vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nói như vậy mới thấy được bà con nông dân vùng cao mới vất vả đến nhường nào? Đồng bào người H’mông, người thái, người khơ mú ta vốn đã quen với truyền thống canh tác nương rẫy thì máy móc nào mà có thể mang vác lên tận những sườn núi dốc đứng mà cày xới đây vì thế phải dựa vào sức người, sức trâu bò và đặc biệt phải cầu mong cho ông trời mưa thuận gió hòa thì mùa màng mới bội thu.
Những năm gần đây cây cao su lên với đồng bào Điện Biên ta, cây lá cứ xanh bóng vùn vụt lớn từng ngày đem về hy vọng no ấm cho bà con. Rồi đây màu xanh của cao su sẽ vút tầm mắt, choán chỗ cho cái màu đen đúa của núi đồi. Những ngọn đồi trọc lơ trọc lóc rồi đây sẽ có bộ tóc xanh to khỏe và xum xuê. Nhưng đó là viễn cảnh của tương lai và có lẽ chắc chắn sẽ thành hiện thực tuy nhiên tương phản với bức tranh đẹp đó là thì hiện nay bà con ta đang đối mặt với một số vấn đề khó khăn liên quan đến cơm áo gạo tiền và cái bầu không khí đang sống.
         Thứ nhất là những ngọn đồi gần nhất, thấp nhất bà con đã dành phần cho cây cao su sống. Một diện tích không nhỏ đất nương rẫy canh tác thường xuyên cũng vì thế mà mất đi, nhiều hộ gia đình lâm vào trạng thái thiếu đất canh tác lúa ngô do đó mà đói. Đầu tháng ba vừa rồi những đoàn xe tải trở đầy gạo từ Trung ương lên cứu đói cho bà con ta đã minh chứng cho điều đó.
         Thứ hai là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ của địa phương sẽ dễ bị xâm hại và mất đi. Với truyền thống canh tác nương rẫy lạc hậu khó thay đổi của bà con kết hợp với việc thiếu đất canh tác thì bà con sẽ rồng rắn nhau lên những khu rừng xa hơn, cao hơn mà mở mang đất đai canh tác.
         Thứ ba là hiện tượng phát rừng làm nương rẫy trái phép, rồi cháy rừng sẽ gia tăng và vì thế mà nhiều bà con vốn hiền lành chất phác của chúng ta sẽ trở thành những đối tượng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
         Và cuối cùng điều quan trọng nhất đó là môi trường sinh thái của địa phương đang ngày một suy thoái. Diện tích rừng phòng hộ ngày một giảm, mái nhà của nhiều loài động thực vật bị mất đi làm cho nhiều loài tuyệt chủng, tính đa dạng sinh học mất dần. Những con sông lớn sẽ vơi dần nước, nhiều con suối sẽ cạn khô, mùa mưa sẽ đến muộn hơn, những ngọn gió lào sẽ tràn về nhiều hơn và những ngọn lửa hung thần sẽ xuất hiện nhiều thiêu rụi nhiều cánh rừng xanh tốt. “ Sự biến đổi khí hậu” vì thế mà ngày càng rõ rệt ở địa phương hơn.
         Những ngày vừa qua do cái khí hậu bất thường trên này đã làm cho con người cảm thấy mệt mõi, khó chịu mà sinh ra khó tính có lẽ vì thế mà làm tôi mới có những suy nghĩ miên man như vừa rồi… Tuy nhiên nói đi nói lại thì đấy cũng là những trăn trở bấy lâu của tôi, một người vốn đã gắn bó với vùng cao và làm công tác Lâm Nghiệp nhiều năm. Tôi chỉ hy vọng rằng hôm nay và tương lai bà con các dân tộc ở địa phương sẽ ổn định cuộc sống, ngày một no ấm vì những chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và nhà nước. Còn hy vọng nhiều hơn vào nhận thức của bà con sẽ dần một thay đổi để mà xóa bỏ những thói quen lạc hậu trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ rừng - bảo vệ môi trường để chống lại cái gọi là “ Biến đổi khí hậu” làm cho bầu không khí thở mỗi ngày được trong lành và không còn thấy cái sự khắc nghiệt và bất thường của thời tiết nữa…


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét